
Tìm hiểu cà phê espresso là gì? Cà phê espresso bắt nguồn từ đầu và khám phá nghệ thuật cà phê espresso trứ danh của nước Ý.
Tóm Tắt Nội Dung
Cà phê Espresso là gì?
“Espresso” trong tiếng Ý có nghĩa là ngay lập tức. Đây là cách người ta nghĩ ra và đặt tên cho một loại cà phê tên là espresso. Đây là một loại đồ uống được pha chế rất nhanh, bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao đi qua bột cà phê được xay mịn tạo thành cà phê espresso.
Nguồn gốc cà phê espresso
Cà phê espresso có nguồn gốc ở Ý, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê espresso xuất hiện lần đầu tiên khoảng năm 1930. Sau đó, loại đồ uống này phổ biến sang Tây Ban Nha, ra khắp châu Âu và toàn thế giới.
Ngày này, người ta thống kê có khoảng 10 loại cà phê khác nhau được sáng tạo, bắt nguồn từ cà phê espresso.
Các loại cà phê espresso
Bắt nguồn từ cà phê espresso, con người đã sáng tạo thêm nhiều loại cà phê khác với cách pha chế tương tự hoặc khác biệt, đem lại nhiều thức uống với hương vị hấp dẫn khác nhau.
Cà phê Macchiato
Trong tiếng Ý thì “Macchiato” có nghĩa là lốm đốm, cái tên này gây ra nhiều tranh cãi cho loại cà phê Macchiato. Phần lớn ý kiến vẫn cho rằng cà phê Macchiato chỉ là việc người thêm sữa lên trên ly cà phê espresso tạo thành những vệt sữa nâu và trắng trang trí đẹp mắt. Tuy nhiên việc thêm bao nhiêu sữa vào trong một ly Macchiato là cả một vấn đề để tránh nó không bị quá nhiều sữa thành cà phê Latte.
Cà phê Cappuccino
Tên Cappuccino được bắt nguồn từ tên gọi của các nhà tu dòng Capuchin. Người ta cho rằng các tu sĩ của dòng này có màu lễ phục giống với màu nâu của cà phê nên mới lấy tên gọi như vậy.
Cappuccino chính là biến thể của cà phê Espresso với sự kết hợp của sữa nóng và bọt sữa có tỷ lệ bằng nhau. Với lượng bọt sữa lớn, người pha chế có thể sáng tạo trên ly cà phê của mình những hình vẽ đẹp mắt được kết hợp giữa màu nâu của cà phê và màu trắng của sữa. Nghệ thuật vẽ bọt sữa trên ly cà phê là đặc trưng của Cappuccino làm cho nó nổi tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới như vậy.
Cà phê Latte
Trong tiếng Ý, “Latte” được bắt nguồn từ từ Caffelatte nghĩa là cà phê và sữa. Chính thành phần này khiến cho nhiều người nhầm lẫn không phân biệt được Latte với Cappuccino. Tuy nhiên hai loại cà phê này khác biệt nhau ở hàm lượng sữa.
Nếu cà phê Cappuccino được kết hợp lượng sữa nóng và bọt sữa như nhau, thì với cà phê Latte lượng bọt sữa được giảm đi chỉ bằng một nửa lượng sữa nóng. Do có ít bọt sữa hơn nên một ly Latte không thể nào trông đầy đặn, bồng bềnh và đẹp mắt như ly cà phê cappuccino. Bên cạnh đó, cà phê Latte thường được phục vụ trong những chiếc ly khá to không giống với những chiếc tách dày và miệng rộng như cà phê Cappuccino.
Latte có hàm lượng cafein thấp với độ béo ngậy cao nên chủ yếu dùng cho trẻ em. Nhưng dần dần nhiều người lớn cũng mê mẩn thứ cà phê với sữa béo ngậy này.
Ở Ý còn có loại cà phê tên đầy đủ là granita di caffè con panna. Đây cũng là một loại cà phê không chứa cafein hợp với trẻ em và những người không thích uống nhiều cafein.
Nghệ thuật pha chế cà phê espresso
Người ta nói rằng pha chế cà phê Espresso dù là bằng máy thì vẫn là một nghệ thuật. Để có được một tách Espresso “chính hiệu” trước hết hạt cà phê phải được lựa chọn là những hạt sẫm màu nhất, rang chín cho tới khi hạt chuyển màu đậm hơn. Hạt cà phê rang xong được xay nhuyễn rồi đưa qua dòng nước nóng được nén với áp suất cực cao hòa quyện thành một thức uống màu nâu sậm sóng sánh.
Phương pháp pha chế cà phê như này sẽ khiến cà phê đậm vị. Trên mặt có một lớp bọt màu nâu (crema), thành phần chính tạo nên mùi hương quyến rũ của cà phê này. Tách đựng cà phê Espresso cũng phải là loại dày, tách phải được hâm nóng từ trước để rót cà phê nóng vào vẫn giữ được nhiệt mà không ảnh hưởng đến hương vị.
Công thức pha chế cà phê Espresso tuyệt hảo nhất đến nay vẫn còn là bí mật gây tranh cãi nảy lửa. Trong đó công thức phổ biến nhất là nguyên liệu pha chế theo tỉ lệ 60% là cà phê Arabica và 40% là Robusta. Công thức khác cũng phổ biến tách Espresso là 100% hạt cà phê Arabica.
Giới pha chế truyền tai nhau cách pha cà phê espresso được quy định bởi bốn chữ “M”. Trong đó, “Macinazione là máy xay cà phê, Miscela là trộn cà phê, Macchina là máy pha cà phê, và chữ M cuối cùng là Mano nghĩa là bàn tay khéo léo của người thợ pha cà phê… Nếu 4 chữ M được thực hiện đúng trình tự thì sản phẩm sẽ là những ly cà phê Espresso hoàn hảo.
Quy trình pha chế cà phê Espresso cụ thể như sau:
Bước 1: Trộn Espresso
Việc trộn cà phê Espresso là để tạo ra một loại cà phê có mùi vị đặc biệt không nhầm lẫn với bất cứ loại cà phê riêng lẻ nào. Nguyên liệu trộn cà phê Espresso thường là cà phê có nguồn gốc từ Brazil, Panama, Mexico, Peru. Mỗi loại cà phê có nguồn gốc từ các vùng đất khác nhau lại cho mùi vị, độ chua, độ đậm đặc và dư vị khác nhau. Tỷ lệ trộn là công thức bí mật.
Bước 2: Rang Espresso
Trong cà phê nói chung và cà phê Espresso nói riêng công đoạn rang chính là bước quan trọng nhất quyết định chất lượng hạt cà phê. Đối với cà phê Espresso, việc rang cà phê đảm bảo hương vị tuyệt hảo nhất cho hạt cà phê. Đồng thời, rang Espresso sẽ làm giảm vị chua và bớt vị đắng gắt trong hạt cà phê. Thời gian và bí quyết rang Espresso cũng là tuyệt kỹ không thể bật mí. Thông thường, người ta sẽ rang cho tới khi hạt cà phê bắt đầu nổ.
Bước 3: Xay Espresso
Xay cà phê Espresso cũng phải lựa chọn máy kỹ càng. Loại máy phổ biến dùng để xay cà phê Espresso là máy xay kiểu Burr.
Điều đặc biệt trong quá trình xay espresso đó là phải xay trong thời gian càng nhanh càng tốt. Thời gian lý tưởng cho một mẻ xay là 23-28 giây. Bởi lẽ khi tiếp xúc với không khí bên ngoài, cà phê dễ bị biến đổi,không giữ được hương vị như ban đầu.
Bên cạnh đó cũng cần đặc biệt chú ý dụng cụ dùng để xay cà phê phải được làm sạch trong ngày. Để lâu bên ngoài cà phê sẽ hút ẩm và mất nhiều thời gian để xay hơn.
Bước 4: Pha espresso
Đây chính là công đoạn đậm chất nghệ thuật nhất trong các công đoạn làm ra một ly espresso. Trong máy pha cà phê, nước nóng 88 °C đến 94 °C được ép với áp suất ban đầu vào khoảng 9 bar. Dùng nước nóng với áp suất cao cho chảy qua bột cà phê trong thời gian đúng 25 giây. Nếu lượng nước quá nhiều, chảy qua bột cà phê nhanh thì các thành phần không được hòa tan hết. Còn nếu nước chảy qua lớp bột cà phê chậm hơn, lâu hơn sẽ có quá nhiều chất đắng hòa tan theo, khiến cà phê đắng thêm.
Một ly espresso thành phẩm sẽ có hai lớp: một lớp crema và lớp liquid.
Lớp crema được tạo nên từ bọt CO2 được bao quanh bởi nước và dầu. Các loại dầu nhũ hoá được tìm thấy trong hạt cafe. Lớp này có thể rất đắng. Nhiều ý kiến tranh cãi rằng có nên khuấy đều trước khi uống để trộn lẫn các lớp với nhau hay không.
Lớp liquid là thành phần chính của một ly espresso. Lớp này được tạo thành bởi các chất hoà tan, chất khí, và các chất không hoà tan tạo hương vị cho cà phê.
Một tách espresso hoàn hảo khi các nguyên liệu đảm bảo hết quy tắc của các nước trên. Ly espresso phải có vị ngọt đặc biệt và hương thơm hấp dẫn của cà phê mới xay, vừa đậm đà vừa thanh thoát. Nhấp ngụm cà phê mà vị thơm của nó vẫn lưu lại trên đầu lưỡi.
Cà phê espresso thường được phục vụ trong những chiếc tách dày đã được hâm nóng từ trước. Một ly espresso thường có dung tích khoảng 40ml. Người dùng có thể thêm đường hoặc không, tùy theo khẩu vị. Cà phê espresso thường được phục vụ kèm theo một ly nước.